INSULIN BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN NHỮNG CHUYẾN XE CÙNG NGƯỜI TÀI XẾ

Y học thường thức
15/04/2025

Câu chuyện được chia sẻ từ một ca bệnh do BS.CKII Đoàn Thị Kim Oanh, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Sante đảm nhận: “Tôi còn nhớ rất rõ về chú Tư – một bệnh nhân trung niên, 58 tuổi, mặc dù con trai làm kỹ sư xây dựng kinh tế gia đình không hẳn khó khăn. Nhưng vì không muốn phụ thuộc vào con và muốn chủ động về kinh tế, chú Tư chọn đăng ký chạy xe ôm công nghệ, một công việc dãi nắng dầm mưa, cả ngày rong ruổi để kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống của mình và vợ. 

Chú đến khám tại Bệnh viện Sante trong tình trạng mệt mỏi kéo dài, sụt cân nhanh và hay khát nước cả ngày. Xét nghiệm glucose máu lúc đó là 15.3 mmol/L, HbA1c trên 10%. Kết luận không thể khác: Đái tháo đường típ 2 với triệu chứng tăng glucose máu cao kinh điển. Khi tôi đề cập đến việc bắt đầu điều trị bằng insulin, chú Tư im lặng rất lâu. Chú hỏi tôi: "Bác sĩ ơi, tôi nghe người ta nói tiêm insulin là bệnh nặng lắm rồi, có phải tôi sắp… “hết thuốc chữa” không?"

Câu hỏi đó – tôi nghe không ít lần trong suốt những năm hành nghề. Nỗi sợ insulin là điều rất phổ biến, đặc biệt với bệnh nhân lớn tuổi, ít tiếp xúc với thông tin cập nhật y khoa. Tôi ngồi lại cùng chú, lấy bút vẽ sơ đồ tuyến tụy, giải thích rằng insulin vốn là một nội tiết tố tự nhiên trong cơ thể được tiết ra từ tế bào beta của tiểu đảo tụy. Khi người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường (đái tháo đường típ 2) là tế bào tuyến tụy đã bị tổn thương từ 50% hay hơn nữa cả về số lượng và chức năng đồng thời có sự phối hợp với tình trạng đề kháng insulin (insulin nội sinh không tác động được trên chuyển hóa của tế bào), insulin ngoại sinh là sự hỗ trợ cần thiết và đáp ứng cơ chế bệnh sinh của bệnh đái tháo đường trong trường hợp mất bù chuyển hóa hay chưa kiểm soát bằng thuốc viên, không phải vì bệnh nặng mới dùng insulin. 
Với tư vấn cụ thể và tận tình của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, với sự động viên từ con trai sau cùng chú Tư đồng ý bắt đầu điều trị bệnh bằng cách tiêm insulin nền kết hợp điều chỉnh lối sống bằng chế độ ăn hợp lý và tập luyện thích hợp. Từ ngày làm quen với insulin, cuộc sống của chú Tư dần trở lại quỹ đạo. Chú không còn mệt mỏi hay khát nước,  cũng chẳng còn những cơn choáng váng. Mỗi sáng trước khi bắt đầu những chuyến xe, chú kiểm tra glucose máu, tiêm một liều insulin nền theo đúng hướng dẫn, rồi thoải mái bắt đầu những cuốc xe của mình.
Những chuyến xe của chú băng qua bao con đường, từ sáng sớm đến tối muộn. Trước mỗi bữa ăn, chú dừng lại một chút để kiểm tra đường huyết, tính toán khẩu phần sao cho phù hợp. Hành khách có người trẻ, người già, có người trầm lặng, cũng có người rôm rả kể chuyện suốt cả quãng đường, nhưng ít ai biết rằng, trên ghế phụ, trong chiếc túi nhỏ bên cạnh, luôn có một cây bút tiêm insulin – người bạn đồng hành thầm lặng giúp chú duy trì sức khỏe.
Là bác sĩ điều trị nội tiết gần 30 năm, tôi mong người bệnh đừng sợ insulin. Đừng để những lời đồn đại không đúng làm chậm trễ việc điều trị. Đái tháo đường không nguy hiểm nếu được kiểm soát đúng cách, và insulin là một công cụ quan trọng, an toàn, hiệu quả nếu dùng đúng chỉ định. Và điều quan trọng nhất: bạn không chiến đấu một mình. Luôn có bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng và những người thân yêu đồng hành cùng bạn.

Vậy insulin quan trọng như thế nào trong việc điều trị đái tháo đường, mời bạn đọc cùng tìm hiểu thêm những chia sẻ chuyên môn từ bác sĩ Oanh trong phần dưới đây!

1. Insulin là gì? 
Insulin là một hormone do tuyến tụy sản xuất. Hormone này có tác dụng giúp cơ thể sử dụng đường glucose từ thức ăn để tạo ra năng lượng. Nếu được sử dụng đúng cách, insulin có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt lượng glucose trong máu và sống một cuộc sống khỏe mạnh.
2.Tại sao bệnh nhân đái tháo đường cần insulin?
Bệnh nhân đái tháo đường không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Do đó, họ cần tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
- Các loại insulin: Có nhiều loại insulin khác nhau, mỗi loại có thời gian tác dụng khác nhau. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại insulin phù hợp với từng bệnh nhân.
- Cách sử dụng insulin: Insulin thường được tiêm dưới da. Bệnh nhân có thể tự tiêm insulin hoặc nhờ người thân tiêm giúp.
- Tác dụng phụ của insulin: Một số tác dụng phụ thường gặp của insulin bao gồm hạ đường huyết, tăng cân và phản ứng dị ứng.
3. Lời khuyên cho bệnh nhân sử dụng insulin
- Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tiêm insulin đúng giờ và đúng liều lượng.
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
- Thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào.
Chuyên Khoa Nội - Bệnh viện Sante cung cấp các gói khám và tầm soát các bệnh lý, tự hào với dịch vụ y tế chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại. Sante cam kết chẩn đoán chính xác, chăm sóc tận tâm, giúp bạn an tâm trong hành trình bảo vệ sức khỏe!

 

Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:

 Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh

 Hotline: (028) 2200 8686

 Fanpage: www.facebook.com/benhviensante

Website: benhviensante.com