THAY KHỚP GỐI BỊ THOÁI HÓA NẶNG CHO NGƯỜI BỆNH BÉO PHÌ

Bệnh chấn thương chỉnh hình
11/09/2024

Bà Thu, 58 tuổi, bị béo phì độ 3, đau khớp nhiều năm liền, đã điều trị bảo tồn bằng nhiều cách như uống thuốc, tiêm chất nhờn, tập vật lý trị liệu… thời gian đầu có giảm dần các cơn đau nhưng gần đây tình trạng trở nặng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm. Sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không thể làm gì.



Đến với Bệnh viện Sante, bà Thu di chuyển khó khăn, nặng nề với cơ thể 120kg, đau nhiều. Sau khi thăm khám, Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân.

TS.BS Tăng Hà Nam Anh, cố vấn chuyên môn Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Sante, cho biết tình trạng thoái hóa khớp gối của bà Thu diễn ra nhanh do thừa cân, béo phì. Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên sụn khớp, làm tổn thương nứt hoặc vỡ vụn sụn, thoái hóa khớp gối diễn tiến nhanh. Lượng mỡ thừa trong cơ thể càng nhiều càng làm tăng nguy cơ xuất hiện các gai xương ở quanh khớp, gây đau nhiều hơn khi vận động.

Ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh cho biết cảm giác ở gối khác biệt rõ rệt so với trước đó. Giảm đau đáng kể, chỉ còn đau nhẹ tại vị trí vết mổ, nhờ đó, có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của khung tập đi. Người bệnh được tập phục hồi chức năng sớm do giảm đau tốt. Từ đó, nhanh chóng khôi phục tầm vận động khớp, sớm quay trở lại sinh hoạt thường ngày, ngăn ngừa các biến chứng do nằm lâu như loét tì đè, huyết khối tĩnh mạch, teo cơ… Tình trạng sức khỏe cải thiện tốt, người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 3.

Béo phì ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu áp lực rất lớn và rất dễ bị tổn thương. Trọng lượng cơ thể quá nặng có thể làm tăng áp lực gây đau, khó chịu, đặc biệt là khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân, gây hạn chế khả năng vận động và dễ bị chấn thương khớp.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết thêm, những người thừa cân cần giảm cân ổn định và đi khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe cơ xương khớp định kỳ để theo dõi bệnh, nếu có. Dù đã mắc bệnh hay chưa, đều cần duy trì lối sống khoa học, tập thể dục thường xuyên kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Duy trì cân nặng phù hợp để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh trong đó có bệnh xương khớp.