1. Tổng quan
Sởi là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ em, những người có đề kháng yếu. Bệnh sởi rất dễ lây lan qua đường hô hấp, có khả năng gây biến chứng nghiêm trọng. Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO) có 160.000 tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu vào năm 2022, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi do chưa được tiêm vaccine hay tiêm vaccine không đầy đủ. Phần lớn (hơn 95%) số ca tử vong xảy ra ở các quốc gia có bình quân thu nhập thấp và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.
2.Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh sởi là Morbillivirus của họ Paramyxoviridae, virus dễ lây truyền qua các giọt bắn từ mũi, miệng khi người nhiễm bệnh thở, ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong vài giờ ngay cả khi người bệnh đi khỏi, khiến việc lây nhiễm dễ dàng xảy ra khi tiếp xúc.
- Chia sẻ thức uống hay thức ăn với người bệnh sởi.
- Hôn người bệnh sởi.
- Bắt tay, nắm tay hoặc tiếp xúc thân mật với người bệnh sởi.
- Chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của bạn.
- Từ người mang thai đến em bé của họ — trong thời kỳ mang thai, sinh con hoặc trong khi cho con bú.
3. Triệu chứng
Sau khi nhiễm sởi, thời gian ủ bệnh có thể từ 7 đến 14 ngày. Các triệu chứng ban đầu thường gặp:
- Sốt cao, trên 39°C.
- Ho khan, chảy nước mũi, và đau họng.
- Mắt đỏ và nhạy cảm với ánh sáng.
- Xuất hiện các đốm trắng nhỏ (gọi là đốm Koplik) bên trong miệng, thường ở mặt trong của má.
- Sau vài ngày, các nốt phát ban đỏ bắt đầu xuất hiện lan dần từ mặt xuống toàn bộ cơ thể. Phát ban sẽ kéo dài từ 5 đến 6 ngày và mờ dần
4. Biến chứng
Bệnh sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:
- Viêm phổi: Biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi.
- Viêm não: Tỷ lệ viêm não do sởi khoảng 1/1.000, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
- Viêm tai giữa: Gây đau tai, giảm thính lực và nhiễm trùng tai.
- Tiêu chảy nặng và mất nước, rối loạn điện giải nghiêm trọng.
- Suy dinh dưỡng: bệnh nhân thường chán ăn và suy giảm hệ miễn dịch trong thời gian mắc bệnh.
- Phụ nữ mang thai dễ sinh con thiếu cân hay sinh non
5. Phòng ngừa
Tiêm phòng là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa sởi. Vaccine sởi thường kết hợp trong vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) hay MMRV (Sởi, quai bị, rubella, thủy đậu), được tiêm cho trẻ em từ 12-15 tháng tuổi và liều tiêm nhắc lại ở độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi. Những biện pháp phòng ngừa phối hợp:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, sát trùng mũi họng, giữ ấm, tăng sức đề kháng và rửa tay thường xuyên.
- Cách ly người bệnh, thời gian cách ly từ lúc nghi ngờ mắc bệnh sởi đến ít nhất sau khi phát ban 4 ngày.
- Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. Sử dụng khẩu trang N95 cho người bệnh, người chăm sóc và nhân viên y tế.
Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi, chủ yếu điều trị giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng:
- Uống nhiều nước ấm để giữ cơ thể không bị mất nước.
- Sử dụng thuốc hạ sốt như Acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Nghỉ ngơi và tránh ánh sáng mạnh để giảm kích ứng mắt.
- Những trường hợp nặng cần nhập viện để điều trị biến chứng.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây lan rộng, biện pháp phòng ngừa hiệu quả là tiêm vaccine sởi đầy đủ và nhắc lại. Để đạt được hiệu quả cao trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh sởi, cần có sự phối hợp của hệ thống y tế với cơ quan truyền thông và cộng đồng trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe về bệnh sởi cũng như các biện pháp vệ sinh cá nhân, xử lý kịp thời khi phát hiện có ca bệnh. Bài viết của chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh sởi. Nếu bạn phát hiện người bệnh có các triệu chứng như trên, hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Tránh sử dụng các loại thuốc khi chưa tham khảo ý kiến Bác sĩ.
Liên hệ ngay để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Bệnh viện Sante:
Địa chỉ: 11A Đinh Bộ Lĩnh, Phường 24, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: (028) 2200 8686
Fanpage: www.facebook.com/benhviensante
Website: www.benhviensante.com